I. Giải thích danh từ A Hàm.
Trong Pháp Hoa Luận Sớ có nêu giải thích của Ngài Đạo An đời Đông Tấn rằng: Gọi là Xu vô vì tất cả các pháp đều hướng đến pháp Không cứu kính.
Theo Hữu Bộ thì Phật Pháp nói trong thời A Hàm là vô thượng, không có một pháp nào có thể so sánh được, không có pháp nào hơn nữa. Nên gọi là Vô tỷ pháp.
Ngài Tăng Triệu thì dịch là Pháp quy, vì đó là căn nguyên của hết thảy các thiện pháp, là khu rừng thâu tóm tất cả, vừa uyên bác, vừa phong phú, vừa bao la, thuyết minh dấu tích của hiền ngu, tội phúc, phân tích về nguyên do chân nguỵ, dị đồng ..vv. Đạo do đây mà phát khởi, pháp do đây mà tồn tại, ví như nước trăm sông đều chảy về biển cả. Cho nên gọi là Pháp quy.
II. Khái quát về sự hình thành Kinh tạng A Hàm.
1. Nguồn gốc hình thành Kinh tạng A Hàm.
A Hàm là hệ thống giáo lý căn bản của Phật giáo thời kỳ đầu. Đây là thời kỳ giáo pháp còn nhất vị, sự truyền thừa những lời dạy của Đức Phật chỉ là hình thức khẩu tụng. Nhưng vì các đệ tử của Ngài tiếp thu và có những kiến giải không đồng, nên giáo đoàn dần dần có sự phân chia thành bộ phái và mỗi bộ phái đều có những tư tưởng khác nhau. Vì thế vấn đề xác lập, chỉnh lý và thống nhất các giáo thuyết của Đức Phật là một việc làm tất yếu và cần thiết. Nhờ đó, các giáo thuyết của Ngài được hoàn bị, dần dần phát triển thành một hình thức văn học riêng biệt và cuối cùng trở thành Thánh điển. Đó là nguyên do của sự hình thành kinh tạng A Hàm. Nhưng kinh tạng A Hàm chính thức được thành lập từ lúc nào thì phải căn cứ vào số lần kết tập kinh điển để tìm hiểu.
2. Lịch sử kết tập Kinh tạng A Hàm.
- Lần kết tập thứ nhất: Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn được bảy ngày, có vị Tỷ khiêu là Bạt Nan Đà vui mừng nói: “ Các người chớ có buồn, đức Thế Tôn diệt độ thì chúng ta được tự do. Ông già ấy trước đây thường bảo chúng ta làm thế này, không nên làm thế kia, nhưng từ nay về sau thì tuỳ ý chúng ta hành động” (Kinh Trường A Hàm). Vì thế, để xác chứng những lời dạy của Đức Phật khi còn tại thế là đúng và nhằm ngăn chặn những hành động phóng túng có thể xảy ra về sau. Nên Tôn giả Đại Ca Diếp đã triệu tập 500 vị A La Hán tại hang Thất Diệp, trong thành Vương Xá, thuộc nước Ma Kiệt Đà để kết tập kinh điển lần thứ nhất.
Đại hội kết tập này do Tôn giả Đại Ca Diếp là thượng thủ, Tôn giả A Nan tụng phần Kinh tạng, Tôn giả Ưu Ba Ly tụng phần Luật tạng. Kết quả là Kinh tạng Nguyên thuỷ được hình thành bằng tiếng Magadhi, đây là loại ngôn ngữ thông dụng nhất của nước Ma Kiệt Đà. Vì thế Kinh tạng Nguyên thuỷ bằng tiếng Magadhi được xem là tiền thân của Kinh tạng Pàli, tức hệ Nikaya và Kinh tạng Sanskrit, tức hệ A Hàm về sau. Kỳ kết tập này mới chỉ ở hình thức khẩu tụng, chưa được ghi chép bằng văn tự.
- Kỳ kết tập thứ hai:Đến khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (khoảng thế kỷ V Tr TL), dưới thời vua Kalasoka xảy ra vấn đề bất đồng quan điểm về giới luật trong giáo đoàn. Để duy trì truyền thống giới luật
Nguyên thuỷ mà Đại hội kết tập lần thứ nhất đã xác quyết, Tôn giả Da Xá (Yasa) đã triệu tập 700 vị A La Hán, họp ở thành Tỳ Xá Ly (Vesali) để xác minh lại phần giới luật, và khẳng định mười điều giới luật của nhóm Tỷ khiêu Bạt Kỳ là phi pháp. Kỳ kết tập này cũng chưa được ghi chép bằng văn tự mà chỉ ở hình thức khẩu tụng.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là trong kỳ kết tập lần thứ hai này, do bất đồng quan điểm giữa hai nhóm cấp tiến và bảo thủ mà giáo đoàn bị phân chia thành hai bộ phái: phái bảo thủ số lượng ít hơn, nhưng gồm toàn các vị Trưởng lão, nên gọi là Thượng Toạ bộ (Theravada), do Tôn giả Da Xá lãnh đạo; phái cấp tiến số lượng đông hơn và gồm những vị trẻ tuổi, nên gọi là Đại Chúng bộ ( Mahasamghika), do nhóm Tỷ khiêu Bạt Kỳ lãnh đạo.
Sau kỳ kết tập này, phái Thượng Toạ bộ rút về lập căn cứ ở vùng Tây Nam Ấn Độ, trung tâm là nước Ma Kiệt Đà rồi truyền bá lên vùng Tây Nam và Tây Bắc Ấn như Avati, Haradama ..vv. Còn phái Đại Chúng bộ thì lập cứ ở vùng Tỳ Xá Ly thuộc Đông Bắc Ấn, rồi truyền bá lên vùng Đông Bắc Ấn Độ, chủ yếu là vùng Gandhara, Kashmir ..vv.
Trên bước đường truyền bá và phát triển, do bất đồng quan điểm mà nội bộ của phái Thượng Toạ bộ lại có sự phân chia thành hai bộ phái mới là Thượng Toạ bộ, chủ trương lấy Kinh tạng làm cơ sở và Nhất thiết Hữu bộ (Sarvativasda), gọi tắt là Hữu bộ với chủ trương lấy Luận tạng làm bản vị.
Sau khi tách làm hai bộ phái, cả hai đều xây dựng cơ sở cho chính mình về mặt pháp lý, tư tưởng và giáo nghĩa. Trên cơ sở của hai kỳ kết tập kinh điển thứ nhất và thứ hai, phái Thượng Toạ bộ đã tiến hành công việc ghi chép Kinh tạng Nguyên thuỷ bằng tiếng Pàli, một loại ngôn ngữ phổ biến của nước A Bàn Đề (Avanti), thành năm bộ Nikaya vào khoảng đầu thế kỷ thứ II Tr TL. Kinh điển Phật giáo được ghi chép bằng văn tự bắt đầu từ đó.
Song song với việc kết tập Kinh tạng Pàli của Thượng Toạ bộ, phái Hữu Bộ đang lập cứ ở vùng Mathuara cũng tiến hành công việc ghi chép Kinh, Luật và Luận tạng của mình bằng chữ Sanskrit (chữ Phạn) vào khoảng đầu thế kỷ I TL. Như vậy, Kinh tạng A Hàm chính thức được thành lập từ lúc đó, tức là sau Kinh tạng Pàli khoảng gần hai thế kỷ.
III. Nội dung, hình thức Kinh tạng A Hàm.
Về hình thức và số lượng, ngay từ buổi đầu kinh A Hàm được ghi chép thành năm bộ là:
a. Trường A Hàm(Dìghàg Agama): Toàn kinh có 22 quyển, 30 kinh. Nội dung chia làm bốn phần, trong đó: phần thứ nhất nói về bản thuỷ và sự tích của Đức Phật; phần thứ hai nói về việc tu tập các hạnh và cương yếu giáo pháp của Phật thuyết; phần thứ ba nói về các luận nạn đối với ngoại đạo và dị thuyết; phần thứ tư ghi chép về tướng trạng khởi nguyên của thế giới. Kinh này tương đương kinh Trường Bộ của hệ Nikaya.
b. Trung A Hàm(Madhyam Agama): Gồm có 60 quyển, chia làm 5 tụng, 18 phẩm và 222 kinh. Nội dung chủ yếu lấy việc tự thuật giáo nghĩa của Đức Phật và các đệ tử là chính. Thỉnh thoảng cũng nói về những điều răn dạy của Đức Phật với các đệ tử, các bậc vương giả, cư sĩ và ngoại đạo. Kinh này tương đương với kinh Trung Bộ của hệ Nikaya.
c. Tăng Nhất A Hàm(Ekttairk Agama): Toàn kinh có 51 quyển, chia làm 52 phẩm, 472 kinh. Nội dung ban đầu nói phẩm Tựa, thuật lại chuyện Tôn giả A Nan truyền tụng kinh điển, sự kết tập của kinh này, nhân duyên Ưu Đa La thụ pháp ..vv. Sau đó nương theo thứ tự tăng dần của các pháp số mà phân loại và gom tập. Tăng Nhất A Hàm là kinh được thành lập muộn nhất trong hệ thống A Hàm. Kinh này tương đương với kinh Tăng Chi Bộ của hệ Nikaya.
d. Tạp A Hàm(Samyukt Agama): Gồm 51 quyển, 1362 tiểu kinh. Nội dung tương đương với kinh Tương Ưng Bộ của hệ Nikaya. Tạp A Hàm là kinh được thành lập sớm nhất trong trong hệ A Hàm. Nếu phân loại theo tính chất của từng phẩm, thì toàn kinh có thể chia ra làm ba bộ phận lớn:
1. Tu Đa La: Gồm các phẩm nói về Uẩn, Xứ, Giới, Duyên khởi, Đế, Trụ ..vv.
2.Kỳ Dạ: Gồm những lời vấn đáp được trình bày theo lối kệ tụng.
3. Ký thuyết: Những lời dạy của Đức Phật và các đệ tử của Ngài tuyên thuyết.
e. Tiểu A Hàm: Gồm có 15 kinh, tương đương với Tiểu Bộ Kinh của hệ Nikaya.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển và truyền bá, với tinh thần cởi mở tiếp thu, những nhà cấp tiến của Hữu Bộ đã lần lượt kết nạp thêm vào một số kinh mang tư tưởng Đại thừa do Đại Chúng bộ từ hướng Đông Nam truyền lên, chủ yếu là đưa vào Tiểu A Hàm. Bởi vậy, Tiểu A Hàm không còn giữ nguyên hình thức, số lượng và nội dung như trước mà đổi thành Tạp tạng, rồi Bồ Tát tạng, tiền thân của kinh điển Đại thừa sau này về mặt lịch sử. Đó là lý do vì sao mà ngày nay chỉ còn có bốn bộ A Hàm.