I. Khái quát về Trung đạo.
Trung đạo, nếu gọi đủ là Trung đạo duyên khởi. Đứng về mặt triết lý là con đường không tuyệt đối hoá bất cứ một vấn đề gì, ly khai tất cả những ý niệm chấp trước, không chấp có cũng chẳng chấp không, không thái quá và không bất cập, ly khai các cực đoan và phiền não. Do không chấp trước vào đâu nên được tự tại vô ngại, chứng quả Niết bàn. Đó gọi là Trung đạo.
Tuy nhiên, trên quan điểm và tư tưởng của kinh A Hàm, Trung đạo mang tính cách thực tế. Nói như thế có nghĩa là Trung đạo được xác định như là phương pháp thực hành đặc biệt, siêu việt nhị nguyên, đối đãi, thể nhập chân lý tuyệt đối, nhưng vẫn hiện hữu tuỳ duyên, linh động trong mọi thời gian, không gian và sự hiện hữu của tự thân đối với tha nhân, đối với các pháp.
Thông thường thì cứu kính của phần đông nhân loại là tuyệt diệt hoàn toàn, hoặc trường tồn vĩnh cửu. Người theo chủ nghĩa vật chất tin rằng sau khi chết con người hoàn toàn không còn gì nữa, trở thành hư vô..vv.
Một vài tôn giáo thì lại chủ trương rằng mục tiêu cứu kính chỉ có thể thành đạt sau kiếp sống, trong sự hợp nhất với một nhân vật toàn năng, hoặc một sinh lực vô hình nào đó không thể giải thích được, hay nói khác đi là một hình thức trường tồn vĩnh cửu.
Ngược lại với những chủ trương đó, Phật giáo dạy con người “ Trung đạo”. Mục đích cứu kính của đạo Phật không phải là sự tuyệt diệt, bởi vì không có cái gì là trường tồn để tuyệt diệt, cũng chẳng trông chờ sự trường tồn vĩnh cửu ở tương lai.
Mục tiêu cứu kính của Phật giáo là có thể thành đạt ngay trong kiếp sống này và sự thành đạt ấy là dựa trên sự nỗ lực của chính bản thân mình chứ không phải là dựa vào bất cứ một ai khác.
II. Lý Trung đạo trong kinh A Hàm.
Lý Trung đạo trong kinh A Hàm được trình bày theo hai phần: Nhân Trung đạo và Quả Trung đạo.
1. Nhân Trung đạo.
a. Trung đạo là xa lìa những cực đoan.
Con đường tu tập của Phật giáo là xa lìa hai thái cực là thái quá và bất cập. Để minh hoạ vấn đề này, chúng ta hãy nhìn lại quá khứ của Đức Phật, khi Ngài còn là một Thái tử, nếm đủ mùi khoái lạc vật chất ở đời. Như kinh Trung A Hàm đã diễn tả: “Chính ta ngày trước khi chưa xuất gia học đạo là ra đi từ chỗ ưu du, từ chỗ thung dung nhàn nhã, từ đời sống cực kỳ êm dịu. Khi Ta còn ở nhà, phụ vương Duyệt Đầu Đàn tạo cho Ta đủ thứ cung điện: cung điện mùa xuân, cung điện mùa hạ và cung điện mùa đông”.
Đồng thời sau khi rời bỏ cuộc đời vương giả để xuất gia tầm đạo, Đức Phật đã trải qua sáu năm trời suy tư và thực nghiệm bao phương pháp hành đạo của phái cực đoan. Ngài đã đem hết ý chí mạnh mẽ như thác đổ, vững chắc như núi đồi để chiến thắng những sự ràng buộc của xác thịt, không kể bao nỗi khổ hạnh đến cùng tột của hàng tu sĩ khổ hạnh nơi núi rừng cô tịch hoang vu. Nhưng chưa tìm được chân lý thì sức lực đã mòn mỏi, ngã quỵ trên đường tìm đạo. Bởi vậy Ngài mới nghĩ rằng:
“ Người hành đạo cũng như dây đàn. Dây đàn quá cao sẽ đứt và nhạc sẽ bay. Dây đàn quá thấp sẽ câm và nhạc không lên. Hãy dùng cây đàn dây không quá cao cũng đừng thấp quá. Hành đạo cũng vậy, quá sướng hay quá khổ đều không phải lối tu hành chân chính... Con đường đi đến giải thoát phải xa lìa hai thái cực ấy! Giữ mực điều hoà thì đạo tất thắng”.
Và ngay trong bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật đã truyền bá con đường Trung đạo mà chính Ngài đã khám phá ra và cũng là tinh hoa trong giáo lý của Ngài. Trước nhất, Đức Phật khuyên năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như nên xa lánh hai lối tu cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh, vì cả hai không thể dẫn đến trạng thái giải thoát. Chính câu Phật ngôn đầu tiên đã được tuyên bố:
“ Này năm Tỷ khiêu, có hai lối sống cực đoan mà những người học đạo không nên học. Một là đắm trước dục lạc, nghiệp hèn hạ, là lối sống của phàm phu. Hai là tự gây phiền, tự gây khổ, không phải là pháp Hiền Thánh, không tương ưng với cứu cánh. Này năm Tỷ khiêu, xả bỏ hai cực đoan ấy, có con đường giữa tạo thành minh, thành trí, thành tựu định, đạt đến tự tại, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết Bàn”
Qua lời dạy trên của Đức Phật, chúng ta thấy cả hai quan niệm cực đoan phóng túng hay khổ hạnh ép xác đều vô tình đưa con người vào vòng tội lỗi, sai lầm và sa đoạ. Trong cuộc sống tu tập chúng ta phải có hành động sáng suốt, xa lìa hai thái cực là thái quá hay bất cập, dục lạc phóng túng hay khổ hạnh ép xác ..vv. để sống tuỳ thuận vào chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối ấy được thể nghiệm ngay trong sự sinh hoạt hàng ngày, trong bốn oai nghi, trong sự ăn mặc ngủ nghỉ. Có như vậy chúng ta mới thực sự đạt đến Trung đạo, đến Niết Bàn an lạc.
b. Trung đạo là ly khai nhị biên.
Hầu hết trong các kinh A Hàm, Đức Phật đều dạy rằng: Thế giới này phần lớn y chỉ vào hai kiến chấp là: có và không có, một và nhiều ..vv.. Tất cả đều có là kiến chấp thứ nhất, tất cả đều không là kiến chấp thứ hai, tất cả đều một là kiến chấp thứ ba, tất cả đều nhiều là kiến chấp thứ tư … Xa lìa những kiến chấp ấy Như Lai thuyết Trung đạo.
Lời dạy của Đức Phật rõ ràng là chủ trương phá chấp, tức không chấp thủ. Không chấp thủ không có nghĩa là tiêu cực thụ động, khô cứng mà trái lại không chấp thủ là để phát huy trọn vẹn cái tinh thần tự tại vô ngại không vướng mắc vào danh tướng, không chấp thủ còn có nghĩa là đi đến Trung đạo. Điều này có nghĩa là phải “ không thấy một pháp nào là khả thủ thì mới không có tội lỗi biết như vậy rồi thì đối với mọi thế gian sẽ không có sở thủ, người không có sở thủ sẽ chứng ngộ Niết Bàn”.
Như vậy, Trung đạo chính là ly khai nhị biên tà kiến đối đãi, tức là không chấp không cũng chẳng chấp có, không vướng vào bên này cũng chẳng mắc vào bên kia ..vv. tất cả các khái niệm ấy đều bị đoạn trừ bằng chính trí, bằng trí tuệ của bậc Thánh. Nói vậy có nghĩa là tất cả vạn vật đều do nhân duyên sinh, sự sống chỉ là dòng sinh hoạt biến động, hoà hợp liên tục vô cùng, chúng hỗ tương ảnh hưởng lẫn nhau, quan hệ lẫn nhau trùng trùng vô tận: “ Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi ”. ( Tạp A Hàm ).
Trên mặt không gian, tất cả các pháp kể cả con người, chẳng qua chỉ là một sự kết hợp và phá hoại của các yếu tố Ngũ uẩn, Thất đại. Trên mặt thời gian, các pháp chỉ là sự sinh diệt, lưu chuyển tiếp nối không ngừng. Vì luôn luôn sinh diệt, cho nên các pháp không thể là những thực thể thường còn, vì sự lưu chuyển tiếp nối nhau cho nên sự sống không bao giờ diệt mất.
Do đó, giáo lý Phật giáo không bao giờ chấp nhận một cái Ngã hằng hữu ( chấp thường ) và không bao giờ chấp nhận sự diệt vong hoàn toàn ( chấp đoạn ). Đức Phật dạy:
“ Nói thân khác, mạng khác cũng không được. Nói thân mạng là một cũng không đúng. Vì sa vào có, không đồng dị cho đén vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử cũng thế. Không xác định là có, cũng không xác định là không, tức không xác định là thật có, thật không, thật sinh, thật diệt. Vì khi đủ duyên thì có, không đủ duyên thì không. Không nhưng không thật không vì theo duyên rồi có. Có, không thật có vì theo duyên rồi diệt. Như vậy, có không là không thật, giữ vững lập trường, nhận thức quán trí như vậy, thì minh trí sinh, thuận dòng Trung đạo, chứng quả Bồ đề, thành Phật”.
Tuy nhiên, mọi sự sinh diệt biến động của hiện tượng giới mà ta đang nhận thức, nếu xét về mặt thể tính thì chúng phụ thuộc vào nhận thức của ta. Nếu rời nhận thức đi, rời mọi ý niệm, mọi tri giác thì mọi biến động của hiện tướng cũng không thể nào hiện hữu. Như vậy, thực tại đầy rẫy sự biến động là do đã bị chúng ta ý thức hoá, nói khác đi là mọi sự có sinh, có diệt, có thường, có đoạn, có nhất, có dị, có nhơ, có sạch ..vv. là bởi ý thức của chúng ta. Còn thực tại là thực tại, thoát ly và vượt ra ngoài mọi ý niệm có không, sinh diệt.
Như vậy, thực tại vốn bình đẳng, vốn hồn nhiên siêu vượt mọi khái niệm ngôn từ. Khi nào chúng ta nhận định được đúng đắn, không thiên lệch về thực tại, khi đó chúng ta thấy rằng hiện tượng và bản thể chỉ là một, Niết Bàn và sinh tử không một, không khác; nghĩa là khi con người còn níu kéo theo mình những ý niệm nhị nguyên đối đãi thì thực tại sẽ còn biến trăm hình ngàn dạng. Trái lại khi chúng ta thoát ly ra ngoài mọi sự ràng buộc của ý niệm nhị nguyên thì thực tại sẽ trở về với tính của nó. Thoát ly mọi ý kiến lưỡng diện nhị nguyên đó, tức là đã đi vào con đường Trung đạo, con đường tiến đến sâu thẳm của chân như. Như vậy, Trung đạo là biểu thị cho hành động tu tập nhằm diệt trừ những phiền não đau khổ để thể nhập chân lý, khi đã thể nhập chân lý thì bản thân chân lý ấy là Trung đạo. Thành ra đạt được Trung đạo tức là đã đạt được giác ngộ giải thoát và chứng quả Niết Bàn ngay tại thế gian này.
c. Trung đạo là sự diệt trừ phiền não.
Phiền não là những tâm lý nóng bức, bực bội, ô nhiễm chấp dính vào mọi hiện tượng không như ý xảy ra trong mọi hoạt động tinh thần, tình cảm của con người. Nó làm cản trở con đường đi tới đạo nghiệp, từ góc độ thanh tịnh và giải thoát mà nhìn xuống hệ thống tâm lý ấy thì đặt cho nó tên chung là phiền não. Đức Phật dạy:
“ Này chư Tỷ khiêu, có năm pháp có thể làm tối tăm, làm cho không mắt, làm cho không trí, làm cho suy tư kém trí tuệ, chẳng minh, chẳng đẳng giác, chẳng chuyển hướng Niết Bàn. Những gì là năm? Đó là tham dục, sân nhuế, thuỳ miên, trạo hối và nghi hoặc. Năm pháp này làm cho ta tối tăm, không thấy ... chẳng hướng đến Niết Bàn”.
Sở dĩ chúng sinh bị sinh tử luân hồi là do phiền não, và cũng có nghĩa là không chứng được trung đạo. Vì vậy Ngài Xá Lợi Phất nói: “ Này chư Hiền, nếu ai đoạn trừ được phiền não tham, sân, si, dâm dục, tăng thượng mạn.. thì sẽ an trụ trung đạo, tuệ nhãn sinh, trí tuệ sinh, kiết phược hết, chứng Niết bàn”.
Qua đó chúng ta có thể khẳng định là không đoạn trừ phiền não, tức không an trụ trung đạo, cũng có nghĩa là không đạt được chân lý. Vì thế người xưa đã nói: “Nếu không gió quét mây mù. Làm sao thấy được trời thu vô vàn”.
Vì vậy, muốn được an lạc, giải thoát thì phải đoạn trừ năm triền cái, Đức Phật dạy người nào đoạn trừ được năm triền cái, thì sẽ được năm giải thoát: “ 1. Như người mắc nợ được thoát nợ; 2. Như người bệnh được lành; 3. Như người tù được thả; 4. Như người nô lệ được tự do; 5. Như người qua sa mạc được an lành”.
Tóm lại, theo nghĩa truyền thống, như đức Phật dạy: “ ai đoạn trừ được năm điều, bỏ hẳn được năm điều, siêng năng tu năm điều, vượt qua khỏi năm điều, ta gọi rằng người ấy đã vượt khỏi tứ lưu”.
d. Trung đạo là tu tập Bát chính đạo.
Giải pháp cho mọi vấn đề đau khổ, xa lìa cực đoan, ly khai nhị biên, diệt trừ phiền não ..vv. trong đời sống xã hội là Bát chính đạo mà Đức Phật đã chỉ dạy. Con đường này chính là pháp hành của Phật giáo, đây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác dẫn đến giác ngộ và giải thoát.
Do vậy, trên một phương diện khác thì Trung đạo là sự tu tập Bát chính đạo, tức là Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tiến, Chính niệm và Chính định. Trong đó Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng nhiếp về Giới; Chính niệm, Chính định nhiếp về Định; Chính kiến, Chính tư duy, Chính tinh tiến nhiếp về Tuệ.
Như vậy tu tập Trung đạo có nghĩa là tu Bát chính đạo, tu giới định tuệ mà bản thân giới định tuệ là tiến trình đưa đến giác ngộ, giải thoát chứng quả Niết bàn.
Tóm lại, con đường đó như kinh Pháp Cú - kệ 273 đã nhấn mạnh:
Bát chính đạo thù thắng
Tứ đế ly cao siêu
Ly dục là vi diệu
Thù thắng trong các thánh
Phật nhãn là siêu việt.
2. Quả Trung đạo
Về quả Trung đạo, theo kinh Tăng Nhất A Hàm có bốn. Đó là:
a. Nhãn sinh.
Do nhân tu tập Bát chính đạo nên được quả là Nhãn sinh. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm – Phẩm Tàm Quý, Tôn giả Xá Lợi Phật nói: “ chư Hiền nên biết, đó là tám đạo phẩm của Hiền Thánh, tức Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. Này chư Hiền, đó là an trụ trung đạo, tuệ nhãn sinh”.
Nhãn sinh, tức thành tựu tuệ nhãn, với đôi mắt trí tuệ, hành giả nhận thấy được các pháp là không, tức Ngã không và Pháp không. Đồng thời thấy rõ mọi hiện tượng duyên sinh vô ngã, và sự tiếp diễn của dòng sinh mệnh hữu tình, từ hiện tại dẫn đến tương lai, trong vô lượng kiếp về sau.
Trên cơ sở tuệ nhãn cũng nói lên được tinh thần ngũ nhãn mà Phật nhãn là thù thắng, vi diệu nhất, tiêu biểu cho Nhất thiết trí.
b. Trí tuệ sinh.
Thực tế cho ta thấy, sở dĩ trí tuệ trong tâm chúng sinh không phát khởi, vì do vô minh phiền não che mờ. Cũng như bầu trời không sáng, là vì mây mù che khuất mặt trời, mặt trăng. Khi mây mù không còn, thì mặt trời mặt trăng xuất hiện. Nên người xưa nói:
Gió cuốn mây đen về biển cả
Một vầng trăng sáng giữa trời không.
Thật vậy, ở đây do nhân tu tập giới định tuệ, tu Bát chính đạo, đoạn trừ phiền não, nên khi vô minh hết thì Bồ đề trí tuệ xuất hiện. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm – Phẩm Tàm Quý, Tôn giả Xá Lợi Phật nói: “ chư Hiền nên biết, đó là tám đạo phẩm của Hiền Thánh, tức Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định. Này chư Hiền, đó là an trụ trung đạo… trí tuệ sinh”.
c. Kiết phược hết được giải thoát.
Quả thứ ba là nói về mặt tịch tịnh và giải thoát. Vì những thứ ràng buộc chúng sinh, sinh tử luân hồi trong ba cõi, sáu loài là triền cái, phiền não không còn, nên được giải thoát tịch tịnh. Như kinh Pháp Cú nói:
Xả bỏ điều đáng mừng
Xả bỏ điều không vui
Thanh lương không phiền não
Dũng mãnh hơn thế gian
Ta gọi là Sa môn.
d. Chứng Niết bàn.
Quả thứ tư là thành tựu Niết bàn, một trạng thái vắng lặng, giải thoát hoàn toàn những thứ vô minh, phiền não, tham, sân, si, tật đố, ngã mạn. Do đó không còn phiền não là Niết bàn.
Vì thế, giờ phút nào tâm chúng ta không còn phiền não, thì giờ phút ấy
Niết bàn xuất hiện và linh hoạt như một thực thể sinh động trong sự hiện hữu của con người về mặt tâm lýý, vật lý, không gian và thời gian vô cùng, vô tận. Cho nên có thể nói:
Đào ao đừng đợi có trăng
Ao xong thì có bóng trăng hiện liền
Tóm lại, bốn quả của Trung đạo trên, hai quả đầu thuộc về mặt Trí tuệ ( chiếu ), hai quả sau thuộc về mặt Chân như, Niết bàn ( tịch ) bao gồm Vô tận trí và Vô sinh trí, hay Lậu tận trí của bậc Thánh A la hán, Phật quả.
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA LÝ TRUNG ĐẠO TRONG ĐỜI SỐNG
Như trên đã trình bày khái lược về tư tưởng Trung đạo qua kinh A Hàm, chúng ta thấy được công năng của lý Trung đạo là một việc rất đương nhiên, rất tự nhiên đối với những ai muốn giảm bớt và loại trừ những trở ngại, những đau khổ trong cuộc sống. Chính con đường này đã người tu tập ở tại gia cũng như xuất gia tránh xa được hai cực đoan là lợi dưỡng và ép xác khổ hạnh để đi đến Niết Bàn an lạc. Đức Phật khẳng định: “ Xa lìa hai cực đoan này thì có Trung đạo, tác thành nhẫn, tác thành trí tự tại, tác thành định, đưa đến trí, đưa đến giác ngộ và đưa đến Niết Bàn”.
Vì vậy, chúng ta có thể quả quyết rằng con đường Trung đạo là con đường độc nhất, là đạo lý căn bản đưa con người tới cuộc sống cao thượng và an lạc.
Trung đạo không phải là một con đường trừu tượng hay một con đường nghi thức. Con đường này chẳng phải giáo điều và cũng chẳng phải hoài nghi, chẳng làm cho mình mê muội, mà cũng chẳng khiến mình tự hành xác. Nó không phải là thuyết bất diệt và cũng chẳng phải là thuyết hư vô, nó chẳng phải là luật của các thần linh uy quyền hay là từ trí tưởng tượng của loài người. Đó là con đường giác ngộ, một phương cách để giải thoát khỏi khổ đau vì bất toại nguyện. Con đường này bác bỏ ý kiến cho rằng con người ngày nay đau khổ vì tội đã tạo trước kia. Mỗi sinh vật, kể cả đời sống của cỏ cây, hoa lá đều phải chịu đau khổ. Mỗi người mang theo mình những điều tốt và những điều xấu và phải chịu trách nhiệm về sự đau khổ hay sung sướng của mình.
Người theo Trung đạo sẽ tìm thấy niềm an lạc và hạnh phúc thực sự. Con người có thể sống một cuộc đời đáng kính và không cần phải làm nô lệ cho bất cứ một tín ngưỡng nào. Như vậy, họ được yên ổn và hạnh phúc, sống hoà đồng với những người khác và với hoàn cảnh xung quanh.
Trung đạo thoả mãn hầu hết những khát vọng sâu xa cao quý của nhân loại. Nó có thể giúp sức cho ta chịu đựng khó khăn và căng thẳng hàng ngày ngoài việc tạo mục đích cho đời sống. Con đường đó không gây sợ hãi đến cho con người, làm tốt được tốt và làm xấu được xấu. Mỗi hành động đều có phản ứng của nó, đó là định luật tự nhiên. Trung đạo hoàn toàn phù hợp với các định luật này vì “ gieo gì thì gặt nấy”. Con người gây ra các hành động tội lỗi do tham lam, sân hận, ngu si … Những nhược điểm trên có thể vượt qua được nhờ ý thức được bản thân. May mắn hay rủi ro mà con người gặp trên đời này không phải là do ảnh hưởng bên ngoài mà là do các hành động tốt hay xấu, do các lời nói và việc làm mà chính họ đã nói, đã làm trước đây. Vì lý do trên, Đức Phật dạy: “ Chúng ta là kết quả của những việc chúng ta làm bây giờ”. Điều này có nghĩa là chúng ta chịu trách nhiệm mọi điều trong đời sống của chúng ta, không ai tu tập thay cho mình và cũng không ai có thể cởi bỏ mọi ràng buộc, đau khổ thay cho mình được. Cũng không có một đấng Toàn năng nào có thể ban phúc hay giáng hoạ cho chúng ta ngoài chúng ta ra. Vì thế mỗi người phải có trách nhiệm và ý thức rõ ràng về nghiệp mình tạo. Chúng ta là “ chủ nhân ông của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, khổ đau hay hạnh phúc đều do chính chúng ta tạo ra cả”. Như Đức Phật đã dạy:
Tự mình làm điều ác
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh, không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai.[22.48]
Chính khi đã nhận thức được vai trò của mình trong quá trình tu tập, mỗi người mới sinh khởi niềm tin bất thoái và quyết tâm thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Với mục đích duy nhất là phải gội rửa hết tội lỗi trong tâm trí và chỉ làm điều thiện, nhằm hướng tới sự đoạn tận khổ đau, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người ngay hiện tại trong cuộc sống này. Điều quan trọng là chúng ta phải ý thức được rằng, việc tu tập theo con đường Trung đạo là nhu cầu thiết yếu như miếng cơm, manh áo và không khí mà ta dùng hàng ngày. Có như vậy người tu tập mới thực sự “ sống với” chứ không phải “ nói về”. Chỉ bằng cách tu luyện tâm trí sau một thời gian dài, tinh thần của chúng ta mới thực sự thanh tịnh, hạnh phúc và an lạc.
Đây là hoài vọng của Đức Phật khi Ngài xiển dương chính pháp để đem lại một trật tự đạo đức và công bằng xã hội. Muốn đáp ứng được khát vọng hạnh phúc mà không có mặt đạo đức thì đau khổ vẫn tồn tại mãi mãi. Như nhà soạn nhạc thiên tài của Tây phương là Mozart đã từng nói: “ Khát vọng hạnh phúc là bẩm sinh của con người, vì vậy nó phải là cơ sở của đạo đức”. Cho nên việc tu tập theo phương pháp Trung đạo cũng nhằm xây dựng cho người Phật tử tại gia cũng như xuất gia một nếp sống đạo đức, mà đỉnh cao của nếp sống đó là giải thoát, giác ngộ.
Như vậy, rõ ràng ta thấy Trung đạo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong lộ trình tu tập của người con Phật. Con đường ấy có khả năng đoạn tận khổ đau, thanh tịnh tam nghiệp, đạt tới thắng trí và chứng quả Bồ đề, Niết Bàn./.
IV. KẾT LUẬN
Qua tìm hiểu sơ lược về tư tưởng Trung đạo trong kinh A Hàm, chúng ta có thể kết luận rằng: Chúng sinh vì vô minh che lấp, tham ái buộc ràng, bị trói chặt trong cái tự ngã ích kỷ hẹp hòi, cho nên hành vi và tri thức không những không thấy được thực tướng của các pháp, mà trái lại còn làm chướng ngại nó. Như người lạc hướng không những không phân biệt được Đông và Tây mà lại còn chấp chặt lấy Đông và Tây. Cũng như thế, chúng sinh chấp chặt lấy năm uẩn, nên năm thủ uẩn bốc thành nỗi khổ lớn, không biết là vô thường mà chấp thường, chấp đoạn cũng là khổ. Đối với tự nhiên, xã hội, thân tâm đến đâu cũng bị nỗi khổ bức bách lan tràn. Tất cả hoạt động lấy vô minh, ngã ái làm gốc ấy đã ăn sâu vào tận tâm tưởng của con người, khiến con người chìm ngập trong biển sinh tử. Nếu không giải thoát được cái mê tình ấy, thì cứ mãi mãi sống trong mâu thuẫn và đau khổ.
Sự tu tập về lý Trung đạo tức là xoay chuyển cuộc sống vô minh thành cuộc sống chính giác, chuyển cuộc sống khốn quẫn bằng cuộc sống tự tại. Muốn thực hiện được như vậy, phải lấy việc thực chứng Trung đạo làm phương châm, lấy việc xa lìa vô minh, hướng tới chính giác làm động cơ để đạt được mục tiêu tối hậu. Do đó có thể chứng minh cho chúng ta thấy con đường Trung đạo là con đường duy nhất để đoạn tận khổ đau, đạt đến an vui hạnh phúc ngay trong đời này, vắng nó thì vắng hạnh phúc và có mặt nó là có mặt giải thoát.
Trong thời đại hiện nay, những tưởng với nền văn minh tiến bộ, với những kỹ nghệ hiện đại hoá phục vụ con người đầy đủ về vật chất sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Nhưng nào ngờ khoa học càng văn minh, xã hội càng tiên tiến thì con người càng rơi vào khủng hoảng, ngày đêm phập phồng lo sợ bởi nền tảng đạo đức bị suy thoái và môi sinh, môi trường bị ô nhiễm. Con người chỉ biết lao vào những lợi dưỡng cá nhân mà quên đi một hướng sống tốt đẹp và tâm linh, các cuộc chiến tranh nóng lạnh đang đe doạ con người, trên thế giới không ngày nào là không có tiếng súng nổ, không có sự chết chóc. Đã đến lúc cần phải báo động về những mối hiểm hoạ huỷ diệt tập thể gây ra do chiến tranh nguyên tử, hoá chất và sự ô nhiễm của môi sinh đang hoành hành khắp nơi. Như thế con người có thực sự hạnh phúc hay không? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học đang nặn óc kiếm tìm. Họ quên rằng câu hỏi này đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giải đáp từ cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm về trước. Ngài dạy rằng con người thực sự hạnh phúc khi đã đoạn tận lòng tham ái và chấp thủ. Con đường ra khỏi tham ái và chấp thủ chỉ có chúng ta chủ động và có thể thực hiện ngay trong hiện tại với cái nhìn trí tuệ của chính mình. Đó chính là cái nhìn “ vô ngã” hay “ vô chấp thủ”.
Ngay nơi hiện tại và tại đây, chúng ta đều hoàn toàn làm chủ cái tâm của mình, làm chủ con tàu chạy đến nhà ga an lạc và hạnh phúc. Chính cái nhìn trí tuệ mà những gì nhân loại đang mong chờ. Bởi cái nhìn ấy chỉ rõ sự thật của cuộc đời, hạnh phúc của con người và đưa ra ánh sáng tất cả các bí mật của cuộc sống.
Hơn bao giờ hết, phương pháp cứu khổ hay con đường Trung đạo đã được Đức Phật vạch ra. Chính phương pháp này đã giúp cho nhân loại xây dựng lên một nền tảng trí tuệ vững chắc và cũng chính con đường này đã giúp nhân loại tìm lại chất người của chính mình, đem lại an lạc, hạnh phúc, định tĩnh sau những tháng ngày rong ruổi tìm kiếm trong vô định của dòng thác loạn vật chất. Đó là tư lương cho mỗi hành giả trên hành trình tìm về bến giác. Vậy chúng ta hãy sử dụng nó làm hành trang cho chính mình, hãy làm ngọn đuốc vén màn vô minh đi vào giải thoát, như lời Đức Phật dạy: “ Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chính pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác, hãy tự nương tựa với chính mình, nương tựa với Chính Pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”.