I. Hộ trì Pháp môn.
1. Năm việc khiến chính pháp Cửu trụ.
Trong Luật Thiện Kiến có chép: “Bấy giờ đức Phật Bảo Ngài A Nam rằng: Sau khi Ta diệt độ, có 5 pháp kiến cho chính pháp cửu trụ: 1- Tỳ Ni là Đại Sư của các ông; Tuân bẩm giáo pháp; 2 – Chí ít còn 5 vị Tỷ Khiêu trì luật còn ở đời (Tịnh Tăng thành chúng);3- Ở nơi Trung Tâm 10 người, ở nơi biên địa 5 người như pháp trì yếu giới Cụ túc (Truyền thụ không dứt); 4- Cho đến đủ hai mươi người tới( Hành nghiệp thanh tịnh); 5- Do luật sư Trì Luật cho nên Phật Pháp trụ thế 5 ngàn năm (Trụ trì cửu vĩnh)”.
Lại nói: “ Tỳ Ni Tạng là Thọ mệnh của Phập pháp, Tỳ Ni tạng trụ Phật pháp cửu trụ” (Đại chính tạng Q .40.tr.5.c)
2. Siêng tu năm pháp , chính pháp bất diệt
Trong luật Thập Tụng có chép: “1- Tôn trọng chính giáo: Nghĩa là các vị Tỷ khiêu, chỉ y cứ vào chính giáo để tu tập, xa lìa ngoại đạo tà kiến, hay khiến cho chính pháp bất diệt; 2- Chấm dứt sân ác: Nghĩa là các Tỷ Khiêu thường hành nhẫn nhục, không sinh sân khuể đức tốt truyền xa, khiến người quy ngưỡng cho nên hay khiến cho chính pháp bất diệt; 3- Kính trọng bậc trưởng thượng: Nghĩa là các Tỷ khiêu đối với các bậc Thượng tọa, Trưởng lão có đức lớn phải cung kính, thừa thuận siêng cầu pháp yếu, cho nên hay khiến cho chính pháp bất diệt; 4- Vui trong chính pháp: Nghĩa là các Tỷ khiêu ở nơi các Thượng tọa được nghe Diệu pháp, sinh lòng tin ưa, hoan hỷ phụng hành, cho nên hay khiến cho chính pháp dất diệt. 5- Khéo răn dậy người sơ cơ: Nghĩa là các Tỷ khiêu đối với pháp Đại thừa dùng phương tiện để diễn nói, khiến cho người sơ tâm học đạo, có chỗ y cứ để tiến tu đạo nghiệp, cho nên hay khiến cho chính pháp dất diệt”. (Đại chính Q 23 Tr. 358)
3. Năm Tỷ Khiêu như pháp cộng trụ, Chính pháp bất diệt:
Trong Sự Sao có dẫn Kinh Đại Tập rằng: “Phật Bảo Đại Vương: Nếu một ngôi chùa, hay nơi thôn xóm, hay một khu rừng có 5 vị Tỷ Khiêu ở chung, nếu đánh Kiền trùy họp bốn phương Tăng, có khách Tăng đến phải theo thứ lớp mà cung cấp phòng xá, đồ ăn uống, đồ nằm, thuốc thang, không có tâm sẻn tiếc. Đầu đêm, cuối đêm đọc tụng kinh luận, chán sợ sinh tử , ưa vui Niết Bàn, không tự khen mình, không chê lỗi người, ít muốn biết đủ, thường ưa tán thán, thiểu dục tri túc. Tâm siêng tinh tiến, chí cầu tịch tĩnh tu niệm Định Tuệ, thương xót chúng sinh.
Đại Vương! Chúng Tăng ấy như pháp mà ở chung, hộ trì giới luật, tinh tiến giữ gìn giáo pháp của Phật, đọc tụng biên chép, phân biệt giải thuyết, thế gọi là Chúng Tăng thương xót chúng sinh, lợi ích chúng sinh – hay thụ trì 12 bộ kinh, cũng hay thụ trì giới cấm thanh tịnh, đầy đủ công đức tàm quí của bậc Hiền Thánh. Đại vương! Như thế gọi là Chúng Tăng Đại Công đức Hải, làm thầy của trời, người, hay đem lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh, hay đoạn trừ hết thẩy khổ não cho chúng sinh, hay giúp hết thẩy chúng sinh giải thoát. Năm vị Tỷ khiêu như thế gọi là Chúng Tăng, huống chi là vô lượng.
Đại vương ! Nếu có vô lượng Tỷ khiêu phá giới cấm, chỉ cần có 5 vị Tỷ khiêu thanh tịnh như pháp, nếu có người bố thí cúng dàng được phúc vô lượng chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tính đếm. Bởi vì sao? Bởi vì hộ trì Phật pháp, thương xót hết thẩy chúng sinh” (Đại Chính Q40 Tr 22c).
4. Lạm thu đồ chúng tự đọa diệt pháp.
Trong Thiện Giới Kinh có nói: “ Thấy người hủy giới càng sinh lòng thương xót, dùng tâm thanh tịnh, lời nói khéo léo mà khuyên bảo họ, như cha mẹ dạy bảo con cái, những điều người phạm phải nên phát lộ như pháp sám hối. Nếu họ không chịu nghe, chẳng nên cung cấp những thứ cần dùng, sai bảo làm các việc. Lại nên tùy việc mà cử tội trách phạt. Nếu cố ý chẳng chịu, phải nên xua đuổi ra khỏi chùa viện, vì muốn cho Phật pháp tăng trưởng. Nếu chẳng hay dạy bảo trách phạt mà vẫn ở chung đó gọi là phá giới, chẳng phải là Sa môn, chẳng phải là Bà La Môn, làm nhơ bẩn Phật pháp, là kẻ Chiên Đà La, là kẻ Đồ Tể. Kẻ Chiên Đà La và kẻ Đồ Tể tuy làm việc ác nhưng chẳng thể phá hoại Chính pháp của Như Lai, chẳng nhất định phải đọa vào trong ba đường ác. Làm Thầy mà không biết răn dạy đệ tử, thì đó là phá Phật pháp, nhất định sẽ đọa vào Địa ngục. Nếu vì danh dự, lợi dưỡng mà tu tập súc dưỡng đồ chúng, đó là Tà Kiến, hủy hoại Phật pháp, là đệ tử của ma. Nếu không nuôi độ đệ tử, chẳng tiếp dẫn đồ chúng, cũng gọi là Tà kiến. Nếu có thần thông là tha tâm trí, biết túc mệnh trí, sau đó mới hay dùng Bồ Tát Giới giáo hóa khai thị pháp lành. Nếu có Tỷ khiêu nào không đầy đủ ba loại trí tuệ này, có thể nuôi độ, tiếp dẫn đồ chúng. Nếu biết những người đó phạm tội nặng. Nếu xa lìa được điều đó tránh xa được danh dự lợi dưỡng, mới làm cho chính pháp không diệt mất”. (Đại chính Q 30, Tr 983 a).
5. Hoằng pháp công cao, phá pháp tội nặng.
Trong Hành Sự Sao có nói: “Cho nên trong Đại Luật Đức Phật có dậy: “ Không phải điều chế định mà chế định, là điều Phật chế định mà phế bỏ, như thế khiến cho Chính pháp nhanh chóng diệt mất,chẳng được gặp Phật, đọa địa ngục nhanh như tên bắn”.
Trong kinh Tam Thiên có nói: “Trong chúng không có người hiểu biết giới luật, giáo pháp dẫu trăm người, ngàn người cũng không sống chung. Vì vậy nên biết muốn cộng trụ ắt phải tuân thủ pháp và luật của Phật” (Đại Tạng Q 40 Tr18 a)
6. Chính pháp Trụ - Diệt , Tỷ Khiêu hữu trách.
Trong luật Tứ Phần có chép: “Khi ấy, Đức Thế Tôn ở rừng Lam – La, nước Ca Lăng Già. Bấy giờ Trưởng Lão Ba Ma La đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ dưới chân Phật, rồi ngồi về một bên, cung kính bạch Phật rằng: “ Đại Đức Thế Tôn ! vì nhân duyên gì, Sau khi Như Lai diệt độ, chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ? Lại vì nhân duyên gì chính pháp không hoại diệt, mà được cửu trụ?
Đức Phật bảo Ba Ma La rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, Tỷ khiêu không kính tin Phật - Pháp - Tăng và Giới - Định, vì nhân duyên ấy, chính Pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ. Này Ba Ma La! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu các Tỷ khiêu kính tin Phật – Pháp – Tăng và Giới - Định, vì thế nên chính pháp không hoại diệt, mà được cửu trụ”.
Khi ấy có một vị Tỷ khiêu khác đi đến chỗ Phật , đầu mặt lễ dưới chân, rồi ngồi về một bên, cung kính bạch Phật rằng : “Đại đức Thế Tôn ! Vì nhân duyên gì chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không cửu trụ?
Đức Phật bảo Tỷ khiêu ấy rằng: “Nếu Tỷ Khiêu ở trong Pháp – Luật này mà xuất gia, chẳng chí tâm vì người mà thuyết pháp, ghi nhớ, giữ gìn, giả sử ghi nhớ, mà chẳng hay tư duy nghĩa lý do không hiểu nghĩa lý, nên chẳng thể đúng như pháp mà tu hành, chẳng thể tự lợi, cũng không lợi tha, do nhân duyên đó khiến cho chính pháp nhanh chóng hoại diệt, mà không Cửu trụ. Ngược lại sẽ làm cho chính pháp Cửu trụ không bị hoại diệt”. ( Đại Chính Q22 TR 1007C).
Từ sau khi Đức Thế Tôn vào Niết Bàn là thời kỳ Trụ Trì Tam Bảo, bốn chúng đệ tử có nguyện thệ hộ trì Phật pháp, điều cốt yếu trước hết đó là hộ trì Tăng Bảo , vì Phật bảo là Pháp Bảo đều nhờ vào Tăng hoằng truyền, không có Tăng thì Pháp diệt, không có giới thì Tăng vong. Hộ Tăng quan trọng là ở nơi thanh tịnh vắng lặng kiến lập chùa viện Tịnh xá, cung thỉnh Tỷ khiêu Tăng thường xuyên an trú, bốn thứ cúng dàng, giúp cho Tăng chúng như pháp tu hành Thân, Giới , Tâm, Tuệ, khiến cho chính pháp lại được phục hưng cửu trụ thế gian. Những người như thế là Đại Đàn Việt của đức Thích Ca Như Lai, được Vô Lượng công đức.
7. Tỷ Khiêu thời mạt pháp tự hoại Phật Pháp.
Trong kinh có dạy: “Phật Bảo A Nan dốc lòng lắng nghe, nay ta sẽ nói: A nan! Vào đời sau này, có các Tỷ Khiêu phá giới, thân mặc ca sa, du hành nơi thành thị, qua lại nơi xóm làng, ở nơi nhà người thân, người đó chẳng phải Tỷ khiêu, lại chẳng phải Bạch y (Người thế tục) nuôi chứa thê thiếp, sinh nuôi con cái. Lại có Tỷ khiêu đến nhà dân nữ dân nam. Lại có Tỷ Khiêu tích trữ vàng bạc. Lại có Tỷ Khiêu chuyên làm nghề thuốc lấy đó để nuôi thân. Lại có Tỷ Khiêu làm việc bói toán cúng bái lấy đó để nuôi thân. Lại có Tỷ Khiêu bên trong phạm giới, ngoài giả hộ trì, nhận sự cúng dàng của tín thí. Lại có Tỷ khiêu tuy không phá giới mà ôm lòng sẻn tiếc y phục, ăn uống và tham lận vật của chúng Tăng, không cho khách Tăng ăn dùng. Lại có Tỷ khiêu tuy không phá giới nhưng lận tiếc phòng xá giường tòa của chúng Tăng, không cho khách Tăng sử dụng. Lại có Tỷ Khiêu , tuy không phá giới, vì Đàn Việt cúng dàng lễ bái mà nhận được nhiều tài lợi, tâm họ không muốn các Tỷ khiêu khác được người cúng dàng, chỉ muốn mình nhận được sự cúng dàng. Lại có Tỷ khiêu nhận được nhiều bốn thứ cúng dàng của Đàn Việt, bên trong không có thật đức, chỉ tăng trưởng lòng tham, chỉ vì mạng sống chẳng vì tu hành. Lại có Tỷ khiêu buôn bán kiếm lợi để tự nuôi thân mạng, như thế vô lượng nhân duyên Địa ngục, sau khi từ bỏ mạng sống này đều đọa địa ngục. A Nan ví như Sư Tử mạng tuyệt thân chết, hoặc hư không, mặt đất, dưới nước, trên cạn, không có loài vật nào dám đến ăn thịt Sư Tử, chỉ có trùng trong thân Sư Tử, quay lại ăn thịt Sư Tử mà thôi. A Nan! Phật pháp của ta, tà ma ngoại đạo chẳng thể hoại được, mà các ác Tỷ Khiêu ở trong pháp của ta phá hoại Phật pháp mà ta phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp siêng tu khổ hạnh tích công lũy đức mới có được.”
8.Tăng Hòa Phật pháp trụ thế.
Trong Tát Bà Đa Luận có nói: “Tăng có 5 hạng: 1- Là Quần Dương Tăng; 2 - Vô Tàm Quý Tăng; 3- Biệt Chúng Tăng; 4- Thanh Tịnh Tăng; 5- Đệ Nhất Nghĩa Đế Tăng.
- Quần Dương Tăng: Nghĩa là các Tỷ khiêu không biết Bồ Tát, hành trù, thuyết giới, Tự tứ, Yết ma, hết thẩy Tăng sự đều chẳng hay biết, giống như đàn dê câm, nên gọi là Tăng như đàn dê.
- Vô Tàm Quí Tăng: Nghĩa là cả chúng cùng làm việc phi pháp như hành dâm dục, uống rượu v.v… Phàm người phạm giới phi pháp, hết thẩy cùng ở chung, nên gọi là Tăng không biết hổ thẹn.
- Biệt chúng Tăng: Nghĩa là như Yết ma chia lợi dưỡng, dùng tâm tham uế, có khách Tỷ khiêu đến chẳng cùng phân chia, biệt chúng Yết ma để chia lợi dưỡng, nên gọi là Biệt Chúng Tăng.
- Thanh Tịnh Tăng: Nghĩa là tuy hết thẩy đều là phàm phu Tăng nhưng mọi người đều trì giới thanh tịnh, chúng không phi pháp, gọi là Thanh Tịnh Tăng.
- Đệ Nhất Nghĩa đế Tăng: Là chỉ cho Tứ quả và Tứ hướng quả (Thánh Tăng)”. (Đại chính Q 23, Tr 513 b).
Trong kinh có nói: “Phật pháp sắp diệt, Bạch y hộ pháp mệnh chung sinh Thiên, như tuyết bay giữa hư không. Tỷ khiêu trái phạm giới luật đạo vào ác đạo như mưa từ trời rơi xuống. Nên biết ở nơi khổ mà tu phúc, phúc đó rất lớn; ở nơi phúc mà tạo tội, tội đó không nhẹ. Cho nên từ khổ được vui, chưa đủ vui trong cái vui; Từ vui vào khổ mới hay khổ trong cái khổ”.
9. Tỷ khiêu phá giới, cắt thịt đền nợ thí chủ:
Trong Phật Tạng kinh có chép: “Lại nữa, Xá Lợi Phất! Tỷ khiêu phá giới lấy tài vật của người tự nuôi dưỡng, ta nói người này mang gánh nặng. Xá Lợi Phất! Tỷ khiêu phá giới phải trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp cắt thịt nơi thân để trả nợ tín thí, Nếu sinh vào súc sinh, thân thường chở nặng. Bởi vì sao? Giống như chẻ một sợi tóc làm nghìn ức phần, Tỷ khiêu phá giới chẳng thể tiêu được một phần cúng dàng của Đàn Việt, huống có thể tiêu được y phục, ăn uống, ngọa cụ, thuốc thang của tín thí”. ( Đại Chính Q 15 – Tr 788 b).
10. Khuyên Quốc Vương, bốn họ hộ trì Phật pháp:
Trong hành sự sao dẫn kinh Đại Tập rằng: “ Nếu đời sau này có các Quốc Vương hay bốn chủng tính (Sĩ, Nông, Công, Thương) có lòng tin vì Hộ Pháp mà hy sinh cả thân mạng, thà hộ trì một Tỷ khiêu như pháp chứ không hộ trì vô lượng ác Tỷ khiêu, vị Quốc Vương ấy đời sau được sinh về cõi Tịnh Độ. Nếu nghe theo lời dạy bảo của ác Tỷ khiêu thì vị Quốc Vương ấy trải qua vô lượng kiếp không được làm thân người”. (Đại Chính Q 40 – Tr 20 c).
Trong kinh Niết Bàn có nói: “Có Tỷ Khiêu trì giới , thấy người hủy hoại pháp, phải nên khiển trách xua đuổi, y pháp mà trừng phạt, nên biết vị ấy được phúc vô lượng”. Lại nói “Nay đem chính pháp vô lượng, phó chúc cho các Quốc Vương, Đại thần, Tể tướng và bốn chúng phải nên khích lệ những người tu học nên học chính pháp ( Định Tuệ Tam thừa Thánh quả gọi là Chính Pháp, Giới là nền tảng của Định Tuệ). Nếu lười biếng phá giới, hủy hoại chính pháp thì các Quốc Vương, Đại thần và bốn chúng đệ tử phải nên trị phạt nghiêm khắc”.
11. Trị phạt tẩn xuất người phạm trọng giới.
Trong Hành Sự sao dẫn kinh Đại Tập rằng: “Trong đời mạt pháp, có đệ tử của Ta nhiều của cải thế lực, Vua chẳng thể trị phạt được, đó là đoạn mất chủng tính Tam Bảo, đoạt mất con mắt của chúng sinh, tuy vô lượng kiếp tu giới, Bố thí thì bị diệt mất”.
Rộng như trong phẩm Hộ Pháp quyển 29 có nói: “Nếu Tỷ khiêu phạm giới phải nên trị phạt, một tháng hay hai tháng làm các việc khổ nhọc, hoặc không cùng nói chuyện, không có ngồi chung, không cho ở chung (Biệt trụ) hoặc tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn, hoặc đuổi ra khỏi một nước cho đến bốn nước có Phật pháp. Trị phạt các Tỷ khiêu như thế rồi, thì các Tỷ khiêu mới an vui tu hành được, mới khiến cho Phật pháp cửu trụ bất diệt”. (Đại Chính Q40 – Tr 18 b).
12. Phật - Pháp - Tăng Bảo đều nên kính trọng
Trong “Pháp Uyển Châu Lâm” có nói: “ Phàm luận về Tăng Bảo nghĩa là giữ giới thủ chân uy nghi xuất tục, hiện ở bên ngoài khiến người thấy mà phát tâm, bỏ thế gian mà lập Pháp. Vinh hoa phú quý chẳng động lòng, của báu người thân không buộc ý, hoằng dương Phật pháp để báo bốn ơn; Chứa đức sửa lòng để giúp ba cõi. Tăng cách cao siêu trời người quý hơn vàng ngọc, nên gọi là Tăng Bảo. Nên biết Tăng Bảo lợi ích chẳng thể nghĩ bàn”. Cho nên trong kinh có nói: “ Ví dù có người trì giới, phá giới, hoặc lớn, hoặc nhỏ đều nên kính trọng, chẳng được khinh mạn, nếu trái điều này đều mang tội nặng”. Cho nên Đức Phật Thích Ca, Phật Di Đà v.v… là Chân Phật Bảo. Những điều nói ra từ kim khẩu của các Ngài về giáo lý hành quả là Chân Pháp Bảo. Ta chứng đạo quả sa môn là Chân Tăng Bảo. Cho nên thành kính một lễ một lạy, tội nghiệp muôn kiếp tiêu trừ, xưng dương tán thán tiêu tai giải hạn. Tự thẹn mình bạc phúc chẳng gặp được Phật, chỉ nhờ vào di phong sót lại, may mắn gặp được thắng duyên. Đồng vàng gỗ đá.., xanh vàng đỏ trắng..vv đắp vẽ hình tướng của Phật gọi đó là Phật Bảo. Giấy lụa tre đá..vv viết chép lời vàng gọi là Pháp Bảo. Cạo đầu thụ giới, mặc áo hoại sắc, chấp trì ứng khí… gọi là Tăng Bảo. Ba thứ này thể tướng tuy không thật dùng để biểu thị chân dung, kính trọng thì tăng trưởng phúc duyên, khinh mạn thì vĩnh kiếp khổ báo. Khúc gỗ không phải thân mẫu mà lễ kính cảm động cả quỷ thần, phàm Tăng chưa phải Thánh mà lễ kính hưởng phúc muôn đời. Làn gió tốt đẹp đó đã thổi gần xa đều tôn kính, ngầm giúp hàm linh, công đức khó bàn. Thảng hoặc khiếm khuyết mắc tội không nhỏ. Đã là người xuất gia lý nên khác tục, xa lìa thói tục, thân mặc áo nhẫn nhục thay Phật hoằng hóa. Tam Bảo vốn đồng thể, đều phải kính trọng như nhau chẳng nên riêng kính Phật pháp mà coi thường Tăng Ni. Cho nên Pháp chẳng thể tự hoằng, hoằng phải nhờ Tăng, Tăng có công hoằng pháp cho nên cần phải kính trọng”. (Đại chính Q 52 – tr 422).
13. Tăng già kính trọng nhau Tam Bảo cửu trụ
Trong Đại Luận có chép: “Đức Phật bảo các Tỷ khiêu rằng: “Các ông phải cung kính lẫn nhau tiếp đón chào hỏi, bắt đầu từ đâu?”. Các Tỷ khiêu bạch Phật đều nói theo ý kiến riêng của mình: Hoặc có người cho rằng: Người xuất gia thân từ quý tộc họ lớn; hoặc cho rằng người có trí tuệ, thần thông; hoặc cho rằng tông thân của Phật; hoặc cho rằng đạt đạo chứng quả..vv. phải được cung kính. Phật dạy: “Những điều các ông nói đều là nuôi lớn ngã mạn không thể chấp nhận được. Phải nên thuận theo phép tắc lưu bố ở thế gian. Ở trong pháp luật của Ta, phải kính trọng lẫn nhau, Phật pháp mới được truyền bá rộng rãi”.
Đức Phật từ bi chỉ dạy phải tuân theo phép tắc trong Tăng mà không theo thói thường của thế tục lấy quyền thế, hào quý thân thuộc làm tộc ty lễ pháp không sai, Tam Bảo mới cửu trụ .
Kính nghi có bốn : 1- Đạo không lễ tục; 2- Tăng không lễ Ny; 3- Trì giới không lễ phạm giới; 4- Thụ giới trước không lễ người thụ giới sau. Người xuất gia lấy tuổi hạ làm thứ lớp để làm lễ kính.
Trong kinh nói: “Cung kính với Chùa Tượng, khiêm hạ với Tỷ khiêu, xa lìa tâm tự cao, thường tư duy trí tuệ thì không tham trước”. Nay tham mạn mà chấp trước thì là kẻ ngu si.
14. Tăng Bảo không đoạn Phật pháp cửu trụ
Trong Tư Trì Ký có chép : “Bồ Tát Ma Ha Tát giáo hóa chúng sinh phát tâm Bồ Đề, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt; Khai thị cho chúng sinh kho tàng Diệu pháp, vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt; thụ trì đầy đủ Luật nghi giáo pháp, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạn diệt. Lại nữa, thường hay tán thán hết thẩy đại nguyện, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt, phân biệt giải thuyết mười hai duyên khởi, vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt. Hành lục hòa kính, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạt diệt. Lại nữa gieo hạt giống Phật vào ruộng tâm của chúng sinh, làm nẩy mầm chính giác, vì thế khiến cho Phật Bảo không đoạn diệt. Không tiếc thân mạng hộ trì chính pháp vì thế khiến cho Pháp Bảo không đoạn diệt , khéo điều hòa đại chúng tâm không loạn trược, vì thế khiến cho Tăng Bảo không đoạn diệt”. (Đại Chính Q 40- Tr 182b).
15. Huyền ký Tỷ khiêu phi pháp trong tương lai
Trong Kinh Phật Thuyết Phân Biệt có chép: “Đức Phật dạy “Tương lai có Tỷ khiêu không tự trong sạch, súc dưỡng vợ con, thân hành ô uế, tham cầu cúng dàng, không tin tội phúc mà mong cầu an vui, khó có thể thoát khỏi đọa lạc, thật đáng thương thay”.
A Nan bạch Phật rằng: “Như vậy đời sau này, có người xuất gia mặc pháp phục đều là nhờ vào uy thần của Phật, người đó tuy ở đời Tượng pháp, Mạt pháp mà gặp được nhân duyên chân chính sẽ được giải thoát, nhưng vì nhân duyên gì trong đó có người không tin, trái lời Phật dạy? Họ sẽ phải chịu thống khổ trong bao nhiêu kiếp?".
Phật bảo A Nan: “Người đó đều do vô số kiếp về trước bị đọa trong đau khổ lâu dài, trong khi gặp phải sự thống khổ đó họ sinh tâm hối hận tự trách, mong muốn được làm điều lành để chuộc tội, do đó mà thoát ra, duyên nhất thời tự hối mà được phúc, tương lai trong đời mạt pháp được sinh làm người, tạm thấy Phật, Kinh, lại có thể cạo bỏ râu tóc làm vị Tỷ khiêu (Tỷ khiêu ny) nhưng vì bản thức không sáng, tâm ý do dự, mờ mịt không rõ, cho nên có sự ô trược, phần lớn không có khả năng xa lìa thói tục, không gặp được thầy bạn minh tuệ, như thế sẽ đọa vào chốn cực khổ, chịu tội vô số kiếp”. Phật dạy: “Này các Tỷ khiêu! Các ông đã xuất gia, cắt đứt ân ái xa lìa vợ con, bỏ đi sự nghiệp thế gian, làm vị Sa môn, phải nên tu hành Giới Hạnh đúng như pháp của một vị Thanh Văn La Hán; Thà lấy nước đồng sôi rót vào miệng, nuốt xuống liền cháy tan ruột gan, chứ chẳng được không có đức hạnh mà ăn của tín thí. Thà lấy giao bén cắt thịt trên thân, chặt bỏ chân tay, chứ chẳng được không có đức hạnh mà thụ dụng của tín thí. Người không có đức hạnh mà nhận dùng của tín thí sẽ nhiều kiếp đọa lạc chịu khổ, lâu dài mới được ra khỏi, nhờ chút phúc thừa tuy được làm người nhưng phải đền nợ, mỗi mỗi đều phải bồi thường; Có người phải làm nô tỳ để trả nợ, có người phải làm cha mẹ để trả nợ”.
A Nan hỏi Phật: “Thế nào là trả nợ?”. Phật dạy: “Có người phải làm nô tỳ, bị mọi người đánh đập, sai bảo bất chấp đạo lý, mà kẻ nô tỳ chỉ biết cam chịu không có lòng oán hận, siêng năng cần khổ làm việc, không quản lao nhọc, quý tiếc bảo vệ tài sản của chủ nhà, không dám tiêu dùng hay để thất thoát, đó là đời này làm nô tỳ để trả nợ. Bởi do đời trước nhận dùng của Tín thí mà không biết tu hành, làm việc công đức, nên phải chịu báo đến để trả nợ, chỉ cam chịu mà không oán than. Thế nào là làm con để trả nợ? Con cái kiếm ra tiền của, nhưng cha mẹ tiêu dùng, thất thoát không có giới hạn, mà con cái không dám than tiếc đó là làm con cái để trả nợ. Thế nào làm cha mẹ để trả nợ? Cha mẹ khó nhọc làm ra chút ít của cải, nhưng con cái tiêu dùng, làm thất thoát vô độ mà cha mẹ không có tim oán giận, để mặc cho chúng pháp phách. Đều do nghiệp thức nhân duyên tương tục, cho nên không có lòng tham tiếc. Các cách đền nợ đó do nhân duyên hòa hợp mà thành, đền nợ xong rồi liền thôi cũng không phải là thường hằng. Người có trí giác ngộ được điều này cho nên sẽ không tạo nghiệp đó. Duy chỉ có Đạo đức mới giữ gìn được lâu dài. Ta ở đời quá khứ cũng đã từng phải làm nô tỳ, Con cái, Cha mẹ để đến đền nợ người chẳng thể tính kể, đều do nhân duyên nhất thời chẳng thể miễn thoát. Đến nay Thành Đạo, Cha mẹ hiện đời này của ta đều do nhân duyên đạo đức đời trước, chẳng phải do trả nợ, cha mẹ đời đời buông bỏ, cho phép ta học đạo, khiến ta lũy kiếp tinh tiến cầu đạo, nay được thành Phật, đều là ơn lớn của Cha mẹ. Người muốn học đạo, không thể không tinh tiến Hiếu thuận, một khi để mất thân người, muôn kiếp khổ trở lại”. (Đại chính Q17,Tr542 a)