1 Khái niệm về Tam học.
Mục đích tối hậu của Phật giáo là giải thoát, thực chứng Niết Bàn. Cho nên toàn bộ những lời dạy của Đức Phật chỉ nhằm đưa người ta đến cái biết, cái nhìn đúng thực tại. Suy cho cùng thì mọi học thuật trên thế gian cũng chỉ nhằm mục đích trình bày cái sở kiến, cái biết mà thôi. Nhưng cái sở kiến, cái biết của thế gian chỉ là cái biết bề ngoài, tức là cái biết chưa trọn vẹn. Cái biết trọn vẹn có công năng chiếu rọi, thấu nhập vào mọi sự, trạng thái biết như vậy gọi là Giác, Đại Giác, Chứng ngộ, Giải thoát vậy. Đó là cái biết của chư Phật, là cả một khối nhất như của toàn bộ thực tại không thể phân chia, không thể nghĩ bàn.
Giáo lý của Đạo Phật là nhằm đưa một người bình thường từ cái biết chưa trọn vẹn, đến cái biết trọn vẹn, cái biết tối thượng. Trong mục tiêu đó, Phật giáo chia cái học về thực tại vốn đồng nhất, tròn đầy này ra làm ba mặt: Giới học - Định học và Tuệ học.
Ba môn học Giới – Định – Tuệ cũng được gọi là ba môn học vô lậu. Trên phương diện thế gian ba môn Giới – Định – Tuệ đưa người học đến kết quả hữu lậu trong tam giới, chưa liễu thoát sinh tử nên gọi là Tam học. Trên phương diện xuất thế gian ba môn này đưa hành giả đến quả vị vô lậu không còn rơi rớt trong vòng hữu lậu, mà siêu xuất ngoài tam giới nên gọi là Tam vô lậu học.
2. Nội dung của Tam học.
2.1. Giới học.
Chữ Giới trong Giới bản Ba la đề mộc xoa (Pràtimoksa), có nghĩa là Biệt giải thoát, hay Tuỳ thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần, giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít; Tuỳ thuận giải thoát là giải thoát tuỳ thuộc vào quả hữu vi hay quả vô vi của người hành trì.
Giới (Sìla) thường được hiểu là giới hạnh, điều luật đạo đức, ngăn ngừa điều quấy, chấm dứt việc ác (phòng phi chỉ ác), hoặc không làm các điều ác, làm
các việc thiện (chỉ ác tác thiện).
Qua các định nghĩa trên, thì giới giúp chúng ta đạt được hai mục đích: không làm các điều ác, làm những việc thiện và đạt đến mục tiêu thứ ba là giữ gìn tâm ý thanh tịnh. Như vậy, Giới là nền tảng của Đạo đức luận Phật giáo.
Giới học là sự học hành, tu tập giới luật. Đối với hệ thống giới luật của Phật giáo, thì trong khoảng mười hai năm đầu sau khi thành đạo, Đức Phật không chế giới điều cụ thể mà chỉ nhắc nhở các đệ tử giữ gìn giới luật bằng một bài kệ tổng quát:
Giữ miệng ý thanh tịnh
Thân hành cũng thanh tinh
Thanh tịnh ba hạnh này
Tu hành đạo tiên nhân. [1][1]
Vì sao Giới bản không được thiết lập ngay từ những năm đầu thành lập giáo đoàn? Theo truyền thống, chư Phật chỉ thiết lập các giới điều khi nào cần thiết, khi nào có đủ nhân duyên. Khi có các hiện tượng vi phạm gây lên ảnh hưởng không tốt cho sinh hoạt của Tăng đoàn thì Đức Phật mới chế giới, thành lập các giới điều để ngăn ngừa những hiện tượng xấu xảy ra về sau. Giới bản cũng vậy, trong những năm đầu các đệ tử đều thanh tịnh, yên ổn tu hành trong khuôn khổ của chính pháp, nên Đức Phật không đề cập đến vấn đề chế giới. Khi Tôn giả Xá Lợi Phất thưa hỏi về vấn đề này, Đức Phật bảo rằng, Ngài tự biết thời, tự biết khi nào cần phải chế giới. Đối với giáo lý của Đức Phật thì không thể học hỏi gấp ngay một sớm một chiều mà được, người thế gian cũng thường nói “ Dục tốc bất đạt”. Vì thế Đức Phật dạy phải học hỏi, thực hành từ từ và Ngài cũng giáo hoá từ từ:“ Chính pháp luật của ta cũng giống như vậy, dần dần thực hành, dần dần học hỏi, dần dần đoạn trừ tất cả và dần dần giáo hoá..”. [2][2]
Về sau, từ năm thứ mười ba trở đi trong Tăng đoàn dần dần có những việc hữu lậu xảy ra làm não loạn, cản trở việc tu tập của các đệ tử, bị người thế gian cơ hiềm gây lên ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn, Đức Phật mới bắt đầu chế giới. Từ đây giới luật bắt đầu được hình thành, mỗi khi có đệ tử nào vi phạm điều gì thì Đức Phật lại cho họp chúng lại, tuỳ theo mức độ vi phạm trong từng hoàn cảnh, thời gian cụ thể để chế giới. Trước khi chế một giới điều nào, Ngài thường nêu lên mười công đức của giới luật là:
1. Để thừa sự Thánh chúng; 2. Để chúng hoà hợp thuận thảo với nhau; 3. Khiến cho Thánh chúng được yên ổn; 4. Để hàng phục những người ác; 5. Khiến những người biết tàm quý không bị não loạn; 6. Khiến cho người không có lòng tin có lòng tin; 7. Người đã tin khiến lòng tin được tăng trưởng; 8.Khiến trong hiện tại và vị lai dứt sạch mọi hữu lậu; 9. Khiến chính pháp trụ ở đời lâu dài; 10. Thường suy nghĩ phải có cách gì để chính pháp được tồn tại lâu dài. [3][3]
Mười công đức này, cũng được gọi là mười lý do chế giới. Giới luật của Đức Phật có rất nhiều và được chế rải rác trong suốt bốn mươi chín năm. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn thì các vị đệ tử mới kết tập thành Luật tạng và phân thành nhiều loại tuỳ theo nội dung, hoặc tuỳ theo tính chất của giới để áp dụng cho từng loại đối tượng cụ thể. Cách phân chia giới luật thì có nhiều cách khác nhau tuỳ theo quan điểm của từng bộ phái. Đại khái thì có thể phân chia thành hai loại là: Giới tại gia gồm có Ngũ giới, Bát quan trai giới và Giới xuất gia gồm có Sa di, Sa di ni giới, Thức xoa ma na ni giới, Tỷ khiêu giới, Tỷ khiêu ni giới.
Đồng thời, giới luật Đức Phật chế ra không phải là để bắt buộc chúng đệ tử phục tùng mệnh lệnh của Ngài, mà là để biểu thị sắc thái đạo đức, ngăn ngừa những tội lỗi từ hành động cho đến ý niệm của các đệ tử, ngõ hầu Thánh hoá đời sống tu hành của họ, làm mô phạm cho thế gian, khiến cho người chưa có lòng tin với Phật pháp phát khởi được lòng tin. Bởi lẽ một vị Tỷ khiêu giới hạnh thanh tịnh sẽ là mảnh đất tốt tăng trưởng các thiện pháp, là nền tảng để tiến bộ tâm linh tiến đến giải thoát. Như trong kinh, Đức Phật thường ví giới luật như đất, vì đất là nền tảng cho hết thảy mọi loài sinh sống và phát triển. Bởi vậy, ai tu tập, hành trì đúng giới luật sẽ có tác dụng đưa đến thân tâm đựơc nhẹ nhàng, thanh thản, là điều kiện tiên quyết đưa đến Định, Tuệ và giải thoát: “ Tỷ khiêu nào giữ giới thì thường không có sự hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thực, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát thì liền đắc Niết Bàn”. [4][4]
Do giới có công năng, lợi ích như vậy, nên việc học giới và trì giới là điều vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của người xuất gia mong cầu giải thoát, bởi ai tu tập giới luật được chừng nào thì được giải thoát chừng ấy. Hơn nữa, người xuất gia hành trì, tu tập giới luật không phải chỉ là để tránh đừng bị tội, mà còn vì lý do chính đáng, thiết thực hơn là để mình khỏi bị trở ngại trên con đường tiến đến giải thoát. Cho nên trong kinh Di Giáo, Đức Phật đã ân cần nhắc nhở các đệ tử: “ Này các thầy Tỷ khiêu, sau khi ta diệt độ các thầy phải kính giữ giới Ba la đề mộc xoa, như kẻ nghèo được của báu, như đêm tối gặp ánh sáng, phải biết pháp này là bậc Đạo Sư của các thầy, dù cho ta có trụ ở đời cũng không khác pháp này vậy”.
2.2. Định học.
Định là Hán dịch từ chữ Samadhi của Phạn ngữ, thường được dùng cùng nghĩa với chữ Thiền na (Jhàna), có nghĩa là sự vắng lặng, sự trầm tư. Từ ghép Thiền Định (Jhàna-Samadhi), được dùng để chỉ phương pháp dứt trừ mọi vọng tưởng, làm cho tâm được vắng lặng. Tâm ở trạng thái vắng lặng thì sức tập trung đến một đối tượng sẽ trở lên mạnh mẽ, sáng rõ đưa đến giải thoát. Tuệ giác tối thượng, Niết Bàn không thể được chứng nghiệm nếu cái tâm không định, hay nói khác đi là không có định thì không có Tuệ giải thoát, không có Niết Bàn.
Mặt khác, trong quá trình tu tập theo giáo lý của Đức Phật, Định được diễn tả ở cấp độ thứ hai sau Giới. Vì có sự tuân thủ nghiêm ngặt các giới điều, nên hành giả thân tâm được nhẹ nhàng, dễ dàng đạt đến sự tập trung là Định. Các giới điều như bức tường kiên cố ngăn chặn các ác pháp, nhất là đối với sự phóng túng của tâm mình, bởi “ do tu Giới mà được định và được phúc báo lớn, do tu định mà được trí tuệ”.
Đây là hệ quả tất yếu khi hành giả thực sự đóng kín cửa ngõ các căn, không cho các căn tiếp xúc với các trần bên ngoài. Đó là con đường trở về với bản tính của mình.
Nội dung tu tập của Định thì có nhiều loại, nhiều cấp độ khác nhau như Tứ thiền, Bát định..vv. Đây là những pháp tu đã có từ thời trước Đức Phật, chính Ngài cũng đã tu tập và chứng đạt được cảnh giới cao nhất của Bát định là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Theo Đức Phật thì những pháp môn thiền định đó mặc dù có đạt được đến một mức độ hạnh phúc nhất định, nhưng chưa phải là viên mãn cứu kính vì vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi. Ngài đã chỉ dạy pháp môn thiền định mà từ đó Ngài đã chứng ngộ giải thoát là Tuệ định. Tuỳ theo căn cơ của từng người mà Đức Phật dạy những phương pháp định tâm khác nhau. Ở đây chỉ xét đến một pháp môn mà kinh điển A Hàm thường đề cập đến. Đó là pháp môn Niệm tâm hay còn gọi là Niệm xứ.
Đối với nội dung của Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thì Tứ Niệm xứ được xếp ở đầu bảng. Trong kinh A Hàm, bản kinh tiêu biểu nhất về nội dung này là kinh Niệm Xứ. Đức Phật dạy: “ Có một con đường tịnh hoá chúng sinh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chính pháp; đó là Bốn Niệm xứ ... Đó là niệm xứ quán thân như thân, quán giác như giác, quán tâm như tâm, và quán pháp như pháp”.[5][5]
Đây là bốn nội dung lớn về các đề tài quán niệm mà Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử thực hành tu tập và Ngài dạy cách tu Bốn Niệm xứ như sau: “ sống quán niệm nội thân trên thân, tinh cần phương tiện, chính trí, chính niệm, điều phục lo buồn của thế gian; sống quán ngoại thân, nội ngoại thân ... Cũng thế, sống quán niệm thọ, tâm, pháp, nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, tinh cần phương tiện, chính trí, chính niệm, điều phục sự lo buồn của thế gian”.[6][6]
Bốn Niệm xứ không chỉ đơn thuần là định học mà còn bao gồm cả tuệ học, tức Thiền định và Trí tuệ song tu. Định Tuệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn giúp hành giả có khả năng đoạn tận tham ưu, phiền não, nếu mỗi người vận dụng và thực hành đúng theo những phương pháp này thì có thể sẽ thẳng đến giải thoát ngay trong hiện tại. Đức Phật xác nhận hiệu quả của Tứ Niệm xứ như sau: “.. Nếu Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni nào lập tâm chính trú nơi Bốn Niệm xứ thì trong vòng bảy tháng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: hoặc chứng Cứu kính trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A Na Hàm nếu còn hữu dư..”.[7][7]
2.3. Tuệ học.
Tuệ hay Trí tuệ là Hán dịch từ chữ Prajna của Phạn ngữ, ngôn từ này được dùng trong Phật giáo với một ý nghĩa hết sức đặc sắc. Đó là sự quán tưởng một cách chân chính, thấy biết như thật về thực tướng của các pháp. Tuệ học chính là cái học nhằm đưa đến sự thấy biết như thật về thực tướng của các pháp đó. Đây là bước cuối cùng trên lộ trình Tam học, khi hành giả thực hành viên mãn giới và định học thì tâm sẽ được sáng suốt, thể nhập chân lý chứng được Tam minh là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, được Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Toàn bộ giáo lý Đức Phật thuyết giảng trong bốn mươi chín năm đều nhằm đưa người học đến chỗ trí tuệ thấy biết như thật ấy. Nội dung Tuệ học được đề cập đến ở đây chỉ khái quát một nội dung cơ bản, là nền tảng xuyên suốt của toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo Nguyên thuỷ cũng như Đại thừa. Đó là giáo lý Duyên khởi .
Duyên khởi (Paticca-Samuppàda), là giáo lý mà từ đó Đức Phật giác ngộ quả vị Vô Thượng Bồ Đề, không những chỉ có Đức Phật Thích Ca trong hiện tại, mà hết thảy chư Phật đời quá khứ cũng nhờ quán sát lý Duyên khởi mà thành đạo. Vậy Duyên khởi là gì ? Đức Phật định nghĩa về lý Duyên khởi như sau: “ Thế nào là pháp thuyết về duyên khởi ? Nghĩa là đây có nên kia có, đây khởi nên kia khởi, như duyên vô minh có hành ... thuần đại khổ tụ tập. Đó gọi là pháp thuyết của pháp duyên khởi”. [8][8]
Như vậy, Duyên khởi là lý vận hành của vạn pháp. Đó là cái vòng mắt xích chặt chẽ nối tiếp nhau liên tục tạo lên sự hiện hữu của vũ trụ, tạo lên sự luân hồi trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hoà hợp mà thành. Nói rõ hơn là mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ bao la, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến lớn như sông núi..vv. đều nương vào nhau làm nhân quả, lớp lớp không cùng, tác động qua lại với nhau mà có. Mỗi một pháp trong vũ trụ không thể tồn tại riêng rẽ, biệt lập mà có được, cái này có là nhờ vào cái kia và ngược lại.
Trong Nhân sinh quan Phật giáo, lý Duyên khởi thể hiện rõ nét qua sự vận hành của mười hai nhân duyên là: Vô minh - Hành - Thức - Danh Sắc - Lục nhập - Xúc- Thụ - Ái - Thủ - Hữu - Sinh - Lão tử. Mười hai chi phần nhân duyên này liên quan mật thiết với nhau, trong đó chi phần này vừa là kết quả của chi phần trước nó, vừa là nguyên nhân của chi phần sau nó. Sự sinh khởi của mười hai chi phần như sau: “ Do duyên Vô minh mà có Hành, duyên Hành có Thức, duyên Thức có Danh Sắc, duyên Danh Sắc có Lục nhập, duyên Lục nhập có Xúc, duyên Xúc có Thụ, duyên Thụ có Ái, duyên Ái có Thủ, duyên Thủ có Hữu, duyên Hữu có Sinh, duyên Sinh có Lão tử, ưu bi, khổ não”.[9][9]
Đây là sự sinh khởi của mười hai chi phần nhân duyên tạo lên sự hiện hữu của con người và những đau khổ của con người. Thực sự thì mười hai chi phần này là một chuỗi mắt xích liên hoàn không có đầu, không có cuối. Đây chỉ là tạm lấy Vô minh làm điểm khởi đầu cho mười hai chi phần, vì mười hai nhân duyên nối tiếp nhau theo ý nghĩa vòng tròn nhân quả, nên muốn đoạn diệt đau khổ, sinh tử luân hồi thì chỉ cần đoạn diệt một trong mười hai chi phần ấy. Khi một chi phần đã diệt thì các chi phần khác không còn lý do để hiện hữu. Nay lấy Vô minh làm đầu mối là vì muốn nhấn mạnh về mặt trí tuệ, khi đã có trí tuệ thì Vô minh không còn, Vô minh không còn cũng đồng nghĩa với sự đoạn diệt của mười hai chi phần nhân duyên, chấm dứt sinh tử luân hồi. Ta hãy quán sát sự đoạn diệt của mười hai chi phần này như sau: “ Vì Vô minh diệt nên Hành diệt; Hành diệt nên Thức diệt; Thức diệt nên Danh Sắc diệt; Danh Sắc diệt nên Lục nhập diệt; Lục nhập diệt nên Xúc diệt; Xúc diệt nên Thụ diệt; Thụ diệt nên ái diệt; ái diệt nên Thủ diệt; Thủ diệt nên Hữu diệt; Hữu diệt nên Sinh diệt; Sinh diệt nên Lão tử, ưu bi, khổ não diệt”.[10][10]
Qua quán sát sự sinh khởi và đoạn diệt của mười hai chi phần nhân duyên, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng, đúng đắn nhất là “ Các pháp đều do nhân duyên sinh và do nhân duyên diệt”. Do đó, không hề có một Ngã tính nào, không có sự sáng tạo của một đấng tối cao nào cả. Sự sinh tử luân hồi, hay chấm dứt sinh tử luân hồi đều do tự thân mỗi người. Tất cả đều do nhân duyên sinh, do nhân duyên diệt và sự thật về sự có mặt của các pháp đã được Đức Phật xác nhận: “ Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta làm ra, chẳng phải do người khác làm ra, nhưng dù Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian thì pháp giới ấy vẫn thường trụ ...”.[11][11]
Như vậy, lý Duyên khởi nói lên lý vận hành của vũ trụ vạn vật, đây vốn là một quy luật tự nhiên, không phải do một ai sáng tác ra, Đức Phật chỉ là người đã phát hiện ra và nhờ đó mà thành đạo. Nói về Duyên khởi thì tuỳ theo quan điểm của mỗi bộ phái nhìn nhận nó trên phương diện nào để quan sát, trình bày và giải thích. Nhưng dù cho Duyên khởi được trình bày, giải thích dưới bất cứ một hình thức nào đi nữa, thì nó vẫn chuyên chở đầy đủ những ý nghĩa thậm thâm nhất về nhân sinh, vũ trụ và là nền tảng xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo
3. Kết luận
Qua sự trình bày khái quát về Tam học, chúng ta thấy Giới - Định - Tuệ có mối tương quan mật thiết với nhau. Đây là ba mặt của một thực tại, cho nên trong Giới có Định, có Tuệ; trong Định có Giới, có Tuệ; trong Tuệ có Giới, có Định. Mức độ thăng hoa của một trong ba chi phần này có liên quan đến hai chi phần kia. Có Tuệ mới biết đâu là Giới, mới định được tâm; càng thực hiện Giới tức là càng thực hiện các quy luật tự nhiên, càng hiểu biết về thực tại hơn, từ đó mới hiểu được tâm, ổn định tâm; có ổn định được tâm thì tâm mới thanh tịnh, cái biết từ đó sẽ rõ ràng và đưa đến Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát. Mối quan hệ biện chứng này đã được Đức Phật xác chứng:“ Tay trái làm sạch tay phải, tay phải làm sạch tay trái. Đây cũng thế, có trí tuệ thì có giới hạnh, có giới hạnh thì có trí tuệ. Giới hạnh làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh giới hạnh”.[12][12]
Mục đích của mỗi người xuất gia là để giải thoát sinh tử, thực chứng Niết Bàn. Cho nên việc tu học Giới - Định - Tuệ là một việc đương nhiên. Trong quá trình tu tập của Giới - Định - Tuệ đó, đối với hàng hữu học, thì không thể có cái học chuyên biệt về một chi phần nào mà không liên hệ đến hai chi phần kia. Thế nên bậc Cổ đức nói:
Buộc tâm lấy Giới làm dây
Lắng tâm lấy Định dựng xây đạo tràng
Rõ tâm đuốc tuệ soi đàng
Tâm không cảnh tịch Niết Bàn an vui.