Thái căn đàm là tập sách đạo sĩ Hồng Ứng Minh pháp hiệu là Hoàn Sơ đạo nhân biên soạn vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1620) đời Minh Thần Tông. Tập sách đã tổng kết những kinh nghiệm đối nhân xử thế của người xưa. Tác giả đã thu lượm các câu cách ngôn trong các bộ kinh điển của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, biên soạn thành sách, chia làm 3 chương, bao gồm 97 mục. Học giả Vương Ân Trạch trong tác phẩm Thái căn đàm nhất nhật nhất ngộ nhận xét: “Đạo sĩ Hồng Ứng Minh thông đạt trí tuệ đã sử dụng thứ ngôn từ sâu sắc vi diệu của mình để giới thiệu các tri thức cao xa khoáng đạt của tiền nhân. Tác giả đã khéo léo đem tinh thần tự cường phấn đấu không mệt mỏi của Nho gia cùng với tấm lòng từ bi hỉ xả thương xót chúng sinh của Phật gia kết hợp với tư tưởng vô vi siêu thoát cõi phàm của Đạo gia, hoà thành một thể thống nhất, hình thành một hệ thống phương pháp nhập thế xuất thế hết sức có ý vị”.
Đọc lại toàn bộ tác phẩm Thái căn đàm, người đọc còn tìm thấy tác giả Hồng Ứng Minh đã tổng kết những kinh nghiệm đối nhân xử thể một cách khôn khéo trí tuệ của người Trung Quốc xưa, qua mấy trăm năm lịch sử, những kinh nghiệm xử thế ấy vẫn như còn đang tươi mới.
Tác phẩm Thái căn đàm cũng được lưu hành ở Việt Nam. Khoảng niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883) đời Nguyễn, sư tổ đời thứ sáu trụ trì chùa Liên Phái Hà Nội là Hòa thượng Phúc Điền đã nhận chân được giá trị của Thái căn đàm, nên đã sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở Tổ đình Liên Phái hồi bấy giờ. Là người rất quan tâm đến việc đào tạo tăng tài, trong sách Kim Cương kinh giải âm Hòa thượng đã tự nhắc mình: “Phải nhận rõ buổi sơ cơ của người cũng giống như buổi sơ cơ của mình”, nên đã dụng tâm diễn âm các tác phẩm Phật học để làm tài liệu giảng dạy, mà Thái căn đàm là một trong các sách đó. Hiện ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được các tác phẩm diễn âm của Hòa thượng Phúc Điền là:
Hộ pháp luận giải âm, 1 quyển
Khóa hư lục quốc âm, 1 quyển
Kim cương kinh giải âm, 1 quyển
Sa di luật nghi giải âm, 2 quyển
Thái căn đàm diễn âm, 1 quyển
Di đà kinh sứ sao giải âm, 2 quyển
Tác phẩm Thái căn đàm do hòa thượng Phúc Điền giải âm lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AB. 513 sách được khắc in năm Canh Thân (1860) niên hiệu Tự Đức thứ 13, gồm 156 trang, khổ 18 x 28 cm, chữ khắc in rõ ràng dễ đọc.
Ra đời đã mấy trăm năm rồi, ngày nay đọc lại sách Thái căn đàm, người đọc vẫn thấy nhiều câu cách ngôn rất là chí lý: “Công nhân chi ác vật thái nghiêm, yếu tư kì kham thụ. Giáo nhân chi thiện vật quá cao, đương sử kì khả tòng”, nghĩa là: Vạch cái xấu của người ta, chớ có nghiêm quá, phải để cho người ta chịu được. Dạy cái tốt cho người ta, chớ có cao quá, phải để cho người ta theo kịp.
Đây có thể xem là phương pháp giáo dục rất có hiệu quả, ngày nay vẫn nên suy nghĩ, vận dụng.
Học giả Vương Ân Trạch nghiền ngẫm rất kĩ, khái quát lại thành 97 mục trong ba chương, mỗi mục chỉ thu gọn thành hai câu biền ngẫu.
Chương 1: Xử thế vi nhân
Làm người xử thế bắt buộc phải có những nguyên tắc, những sách lược mới có thể khiến cho cái thân xác chính trực thẳng thắn này đi giữa vòng trời đất không bị uổng phí.
Không thể cẩu thả tạm bợ mà không có hoài bão lớn lao.
Không thể rắp tâm gây vạ mà không thành thực với người.
Không thể chịu nhận ngu tối dốt nát mà không thung dung tự tại
Không thể giữ mãi những tàn khuyết mà không cầu toàn trách bị.
Làm được đến mức như thế thì đã là con người sung sướng hạnh phúc, đối xử thành công rồi.
1. Bão phác thủ chuyết, xử thế chi đạo: Giữ nết thực thà là đạo xử thế.
2. Tự tại nhân sinh, dã tu tự tỉnh: Cuộc đời tự tại cũng cần xem xét.
3. Tự ngã chủ tể, thiên địa vô ngại: Tự mình làm chủ trời đất chẳng trở ngại.
4. Đắc ý thời yêu thanh tỉnh, phất tâm xứ mạc phóng khí: Khi đắc ý vẫn cần tỉnh táo, lúc chẳng vừa lòng chớ nên vứt bỏ.
5. Tâm để khoan hậu, phúc trạch miên trường: Tấm lòng khoan hậu, phúc hưởng lâu dài.
6. Hiệp khí đắc hữu, tố tâm vi nhân: Hảo hiệp có bạn, lòng người chân thực.
7. Thoái tức thị tiến, dữ tiện thị đắc: Lùi tức là tiến, cho thì sẽ được.
8. Nhượng xuất danh lợi viễn họa hại, đảm đương trách nhiệm khá dưỡng đức: Nhường lại danh lợi tránh được họa hại, đảm đương trách nhiệm cũng là có đức.
9. Nghiệp bất cầu mãn, công bất cầu doanh: Sự nghiệp chẳng cầu mãn túc, công lao chẳng cầu đủ đầy.
10. Công sử kỳ khả thụ, giáo sử kỳ năng tòng: Đánh để nó chịu được, dạy để nó theo kịp.
11. Nhân tình thế cố, thoái nhượng vi bản: Tình người quen theo nếp cũ, phải lấy nhường nhịn làm gốc.
12. Bất ố tiểu nhân, lễ đãi quân tử: Chẳng ghét bỏ tiểu nhân, kính lễ người quân tử.
13. Lập thân nhu cầu chiêm viễn thuộc, xử thế đương chu toàn tư lự: Lập thần cần nhìn xa trông rộng, xử thế phải cân nhắc chu toàn.
14. Phương viên xử thế giai khả nghi, khoan nghiêm đãi nhân tu tự tri: Khôn khéo xử thế đều nên làm, khoan hòa đãi người cần tự biết.
15. Vong oán vong quá, niệm ân niệm công: Bỏ qua oán hờn bỏ qua lỗi lầm, nhớ lấy ân đức nhớ lấy công lao.
Chương 2: Tu thân dưỡng tính
Trong Tu thân dưỡng tính thì cái tu rèn chính là thân tâm của mình, cái dưỡng dục chính là phẩm tính của mình. Tu thân có thể giúp cho con người ta có tâm thư thái, thể trạng thoải mái. Dưỡng tĩnh có thể giúp cho con người ta có tấm lòng rộng mở, cảnh giới tự nhiên sinh ra, từ đó có được cuộc sống an nhiên tự tại trong không gian tốt lành. Nếu như có được như vậy thì cần gì phải đắn đo tủn mủn chạy vạy khốn khổ?
1. Ninh thủ nhất thời tịch mịch, bất thủ vạn cổ thê lương: Thà chịu một lúc lắng im, quyết không để muôn đời lạnh lẽo.
2. Khoan hậu xử thế, khiêm nhượng đãi nhân: Khoan dung nhân hậu xử thế, nhún nhường khiêm tốn với người.
3. Tâm tồn thiên kiến chung hại kỉ, tự tác thông minh ngộ thể sinh: Lòng giữ thiên kiến sẽ hại mình, tự nhận thông minh lầm lỡ kiếp người.
4. Thu phóng tự nhiên, khoái ý nhân sinh: Thu chi tùy ý, sướng một kiếp người.
5. Tâm ma thoái tắc bách sự khả hành, ý khí bình tắc vạn ác bất sinh: Bụng xấu dẹp hết thì muôn việc làm xong, tính nóng thu lại thì việc ác chẳng sinh.
6. Dục niệm nhất đạm, phúc lạc tự hiện: Lòng ham muốn nhạt đi, cuộc sống vui tự hiện.
7. Nhân sinh bản vô họa, khởi khả tự chiêu nhạ: Đời người vốn không tại vạ, há lại tự chuốc vào.
8. Bất tiễn danh lợi chi lạc, hà lai cơ hàn chi ưu: Không có ham muốn danh lợi, thì đâu có nỗi lo đói rét.
9. Tâm địa bản quang minh, niệm đầu vật ám muội: Tấm lòng vốn trong sáng, ý nghĩ đừng xấu xa
10. Nhân bất hôn ngu tặc bất nhập, tâm bất tự khí vạn sự thành: người chẳng ngu tối giặc chẳng vào, tâm không vứt bỏ muôn sự thành.
11. Thanh tỉnh tác nhân, chu chính tác sự: Làm việc chu đáo, tỉnh táo làm người
12. Thiên cơ tối thần, trí xảo hà ích: Cơ trời thực khéo, mưu mẹo làm gì.
13. Danh lợi công tâm tự thủ diệt vong: Danh lợi đánh vào lòng, tự mua chòng thắt cổ.
14. Văn chương vô kì xảo, nhân sinh nghi tự nhiên: Văn chương chẳng có mẹo kì, đời người cần phải tự nhiên.
15. Trung thứ đãi nhân nghi dưỡng đức, khoan dung xử thế khả viễn hại: Trung thành với người cần nuôi đức, khoan dung xử thể bớt bị hại.
16. Tâm như chỉ thủy cảnh tự thành, niêm hoa nhất tiếu vạn sơn hoành: Lòng như nước chảy dừng lại, phong cảnh tự nhiên thành, nhón bông hoa mỉm cười một cái, muôn dặm non nước mênh mang.
Chương 3: Diệu lý u tư
Cuộc đời của con người chỉ là có hạn còn việc học thì vô hạn. Dùng cuộc đời có hạn lao vào cuộc học tập vô hạn, có lẽ sẽ không thể giúp cho cuộc đời của bạn kéo dài liên tục, mà chỉ có thể giúp cho cuộc sống của bạn có ý vị nhiều hơn mà thôi. Đây không phải là một mâu thuẫn không thể điều hòa được, mà ngược lại nó có thể trợ giúp lẫn nhau tạo điều kiện cho nhau thành tựu được.
1. Lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh, trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành: Thuốc hay đắng miệng lợi việc chữa bệnh, lời trung chối tai lợi cho việc làm.
2. Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, mai hoa hương tự khổ hàn lai: Mũi kiếm sắc nhờ đá mài có, hương hoa mai do giá lạnh sinh.
3. Chấp trước đáo để tài hữu thắng lợi: Gìn giữ đến cùng mới có thắng lợi.
4. Siêu nhiên ư thiên địa, đạm nhiên vu danh lợi: Siêu việt trong trời đất, lạnh nhạt với danh lợi
5. Cư an tư nguy, thiên địa chính đạo: Lúc yên ổn nghĩ về lúc nguy nan, đó là chính đạo giữa đất trời.
6. Thiên khích chung hữu hại, trung hòa khả đa phúc: Quá khích thì có hại, trung hòa hưởng phúc nhiều.
7. Nhất niệm hữu tư, vạn kiếp bất phục: Nảy sinh một ý riêng tư, muôn đời không quay lại được.
8. Bảo dĩ thành chi nghiệp, phòng tương lai chi phi: Giữ được sự nghiệp hoàn thành, vẫn nên đề phòng tương lai sai trái.
9. Cùng phú bất quá nhãn tiền sự, danh tiết tài tri vạn thế công: Giầu nghèo là việc thoáng qua trước mắt, danh tiết mới là công lao muôn đời.
10. Quang âm nhẫm nhiệm, thốn kim nan thục: Thời gian qua đi, tấc vàng khôn chuộc.
11. Phòng bệnh tu xấn tảo, ti họa tại thịnh thời: Phòng bệnh cần làm sớm, tránh họa ngay lúc còn thịnh.
12. Đại xử trước nhãn, tiểu xử trước thủ: Xử việc lớn trước mắt, xử việc nhỏ trong tay.
13. Thịnh cực tất suy thiên chi đạo, xử an lự hoạn nhân chi bản: Thịnh lắm có lúc suy là đạo trời, lúc yên ổn lo hoạn nạn là cái gốc của con người.
14. Hôn hôn nhiên thiên địa ám đạm, chiêu chiêu nhiên thần chí tự mãn: Mịt mùng thay trời đất ảm đạm, sáng sủa lắm thần chí thanh thản.
15. Năng câu dĩ đắc ngự tài, phương năng đức tài kiêm bị: Có thể dùng đức chế ngự tài năng, thì mới gồm đủ đức tài.
Lời kết
Người xưa từng dạy, ai đọc hết bộ sách Thái căn đàm, nhấm nháp mùi vị của cuộc sống từ trong thứ rễ rau nhạt nhẽo vô vị này, hẳn là sẽ có được cảm giác an nhiên tự tại ở ngay trong cuộc đời đầy rẫy biến động nhiễu nhương này.
Thật là chí lý! Đúng là mỗi lần đọc Thái căn đàm là mỗi lần hiểu rõ thêm đạo lý làm người.
Tài liệu dùng để giảng trong kì An cư ở tổ đình Liên Phái
PGS. TS. Nguyễn Tá Nhí
Viện Nghiên cứu Hán Nôm